Cách nấu trân châu dẻo ngon không bị dính cực đơn giản
Trân châu là loại topping không thể thiếu của món trà sữa thơm ngon cùng nhiều loại đồ uống hấp dẫn khác. Nhiều người nghĩ rằng, tự nấu trân châu ở nhà sẽ không dai ngon được như ngoài quán. Đó là do bạn chưa biết cách nấu chuẩn mà thôi. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn cách nấu trân châu dẻo ngon không bị dính cực đơn giản. Kể cả bạn không phải là người khéo tay thì cũng có thể thành công.
1. Cách nấu trân châu tự làm tại nhà
Ở cách này bạn phải tự làm loại trân châu mà mình yêu thích. Sẽ hơi mất thời gian nhưng đảm bảo sạch sẽ và rất an toàn.
1.1 Nguyên liệu cần chuẩn bị làm trân châu
Nếu bạn không muốn dùng loại trân châu mua sẵn ngoài hàng, thì có thể tự làm trân châu từ A – Z tại nhà. Dưới đây là những nguyên liệu mà bạn cần chuẩn bị:
- Bột năng: 120g
- Bột gạo nếp: 20g
- Bột cacao: 1 thìa xúc cơm
- Đường kính trắng: 20g
- Nước ấm: 120ml
1.2 Các bước làm trân châu
Bước 1: Trộn và nhào bột
Bạn cho bột năng, bột gạo nếp, bột cacao vào một chung chiếc bát tô. Dùng rây để lọc cho bột mịn hơn.
Tiếp theo, đổ từ từ nước ấm vào để bột thấm đều nước. Vừa đổ vừa dùng thìa trộn đều lên. Sau đó, bạn dùng tay để nhào thật mạnh cho đến khi khối bột trở nên mềm dẻo là được. Bạn hãy dùng tay để cảm nhận độ cứng, nhão của bột. Nếu thấy bột khô thì thêm nước, nếu nhão thì cho thêm bột năng vào.
Bước 2: Nặn trân châu
Khi bột đã đạt yêu cầu, không còn dính tay nữa thì bạn lấy ra khỏi bát. Đặt khối bột lên mâm hoặc tấm thớt để chuẩn bị tạo hình.
Rắc một chút bột khô lên bề mặt để tránh bị dính. Sau đó, chia khối bột thành nhiều phần nhỏ khác nhau.
Dùng tay lăn bột thành những đoạn dài và nhỏ. Tiếp tục, dùng dao cắt đoạn bột thành những miếng nhỏ xinh. Cuối cùng, bạn vo tròn những miếng bột đó thành những hạt trân châu tròn trĩnh là được rồi! Lặp lại các thao tác này đến khi hết toàn bộ chỗ bột đã nhào nhé!
Bước 3: Cách nấu trân châu đúng cách để không bị dính
Bạn hãy bắc một nồi nước lên bếp và đun sôi. Dợi nước sôi già rồi mới thả trân châu vào. Dùng đũa đảo đều để các hạt trân châu không bị dính vào nhau. Giảm lửa nhỏ xuống để trân châu chín từ từ, nếu để lửa to thì bên ngoài mềm nhưng bên trong lại chưa chín.
Khi trân châu nổi hết lên mặt nước thì đun thêm khoảng 10 phút nữa. Sau đó, tắt bếp rồi đậy kín nắp nồi, tiếp tục ủ thêm 15 phút cho trân châu thật mềm, thật dẻo.
Sau khoảng thời gian trên, bạn dùng rây vớt trân châu ra và ngâm vào thau nước lạnh. Rửa sạch chất nhờn bám bên ngoài rồi cho trân châu vào bát tô. Bỏ thêm vài thìa đường kính và vắt vài giọt nước cốt chanh vào để ướp trân châu. Bước này sẽ giúp trân châu đậm vị và dai giòn hơn.
2. Cách nấu trân châu có sẵn
Nếu bạn không có nhiều thời gian để tự nặn trân châu, thì có thể mua loại làm sẵn ở các siêu thị hoặc cửa hàng bán đồ pha chế. Có rất nhiều loại để bạn lựa chọn, mua về bạn chỉ cần luộc và ủ theo hướng dẫn ở phía dưới nha!
2.1 Chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ
- Trân châu làm sẵn
- Đường kính trắng, mật ong
- Nước lạnh
- Dụng cụ: Nồi để luộc, giá lọc, bát tô, thìa, đũa
2.2 Nấu trân châu
Bước 1: Bạn cắt miệng túi trân châu và lấy ra một lượng đủ dùng. Trung bình cứ 100g trân châu sống sẽ đủ để pha chế 3 – 4 ly trà sữa. Nếu cần sử dụng nhiều hơn thì bạn cứ nhân lên theo tỷ lệ trên nha!
Bước 2: Bắc nồi nước lên bếp để đun sôi với tỷ lệ nước/trân châu là 6:1. Ví dụ, bạn muốn luộc 500g trân châu thì cần đổ 3 lít nước.
Bước 3: Khi nước sôi đều thì đổ trân châu vào, dùng đũa khuấy nhẹ để các hạt không bị dính vào nhau. Tiếp tục đun với lửa to cho đến khi trân châu nổi lên mặt nước thì giảm nhỏ xuống.
Bước 4: Đậy nắp nồi lại và đun thêm khoảng 15 – 20 phút nữa. Cứ khoảng 5 phút thì mở ra đảo đều một lần để tránh bén nồi gây cháy khét.
Bước 5: Sau 20 phút thì tắt bếp và giữ nguyên nồi như vậy để ủ trân châu thêm khoảng 15 phút nữa. Như vậy thì các hạt trân châu sẽ chín mềm từ ngoài vào trong. Không lo gặp phải tình trạng bên ngoài thì nhũn mà bên trong lại cứng.
2.3 Ngâm trân châu vào nước đá
Sau thời gian ủ, bạn dùng giá lọc để vớt trân châu ra và ngâm trong thau nước đá. Sau đó, rửa trực tiếp dưới vòi nước lạnh cho sạch hết chất nhớt. Tiếp theo, xóc nhẹ tay để trân châu ráo hết nước rồi cho một vào chiếc bát tô lớn.
2.4 Trộn trân châu với đường và mật ong
Trân châu đã luộc xong, bạn hãy trộn thêm với vài thìa đường và mật ong để tạo độ ngọt và độ bóng cho đẹp mắt.
Lưu ý: Chỉ nên dùng một lượng đường vừa đủ để tạo thành một lớp màng mỏng bao quanh trân châu. Không cho quá nhiều sẽ tạo nên vị ngọt gắt. Trung bình cứ 500g trân châu thì bạn dùng 200g đường và 50ml mật ong thôi nhé!
3. Cách bảo quản trân châu khi không dùng hết
Đối với trân châu đã luộc và được ngâm trong hỗn hợp nước đường + mật ong. Bạn chỉ cần đậy kín và để ở nơi thoáng mát. Thời gian bảo quản tối đa là 6 tiếng. Sau khoảng thời gian này thì trân châu sẽ bị trương lên, khi nhai thấy bở và cứng nhân.
Đối với trân châu sống, bạn dùng dây thun buộc chặt lại rồi cất vào ngăn mát tủ lạnh. Như vậy sẽ bảo quản được từ 2 – 3 tuần, mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng, mùi vị của trân châu.
Trên đây là phần hướng dẫn cách nấu trân châu dẻo ngon mà các cửa hàng bán đồ uống thường áp dụng. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn cũng có thể tự nấu được trân châu tại nhà. Ngoài trà sữa, hạt trân châu còn có thể kết hợp với nước ép, sinh tố, tào phớ, pudding,…Bạn hoàn toàn có thể thỏa sức sáng tạo, để làm ra những thức uống thơm ngon, hấp dẫn chiêu đãi cả gia đình.
Còn nếu bạn đang ấp ủ dự định mở tiệm kinh doanh trà sữa, đồ ăn vặt, thì mua một chiếc xe bán hàng di dộng cũng không phải là ý tưởng tồi. Bạn có thể thăm dò thị trường trước khi mở tiệm chính thức. Với thiết kế hiện đại, bắt mắt, xe bán trà sữa sẽ trở thành trợ lý đắc lực của bạn. Giúp công việc kinh doanh của bạn diễn ra thuận lợi, hiệu quả với mức chi phí thấp nhất có thể.